Thứ Tư, 1 tháng 2, 2012

Đổi thay từ yến

Hàng trăm năm, người ta chỉ biết chim yến làm tổ trong các hang động tự nhiên ở ngoài đảo thuộc các vùng biển của miền Trung. Thế nhưng chỉ trong vòng chưa đầy 10 năm trở lại đây, những làng nuôi yến trong đất liền ở miền Nam đã hình thành và ngày càng phát triển, đem lại thu nhập hấp dẫn cho người nuôi.
Rộn ràng làng yến
Xã Tam Thôn Hiệp là nơi tập trung nhiều nhà yến nhất ở huyện Cần Giờ (TP.HCM). Người dân ấp An Hoà ở đây cho biết, mười mấy năm trước, Tam Thôn Hiệp là một xã nghèo vùng sâu, đất đai rẻ bèo, không ai mua bán. Nhưng từ khi có chim yến về ở, người từ các nơi đổ về đây mua đất xây nhà, đẩy giá đất ở đây tăng vọt. Thím Ba, một phụ nữ ở ấp An Hòa, vừa bán mảnh đất hơn 200m2 cho một nhà đầu tư nuôi chim yến với giá hơn 1 tỉ đồng, cười tươi khi trả lời câu hỏi sao không xây nhà nuôi yến của chúng tôi: “Chim yến là lộc của trời cho, ai có phần thì được. Hơn nữa, tui nghèo thì lấy đâu ra tiền tỉ để xây nhà yến". Chị hàng xóm của bà chỉ tay về phía dãy nhà yến nằm dọc bờ sông kể: Ở ấp này, nhà của ông A Lý người Malaysia là nhiều chim yến nhất. Mỗi tháng ông ấy thu hoạch được khoảng mười mấy kg. Có người tại địa phương thu mua để bán lại và cũng có người từ TP xuống mua. Giá bán mỗi kg tổ yến thô từ ba mươi mấy đến hơn 40 triệu đồng tuỳ theo tổ đẹp, xấu.

Một góc làng yến Long Bình (Tiền Giang), nơi có căn nhà yến đầu tiên của ông Mười Thiết - Ảnh: Lê Minh Hoàng

Ngay trong ấp An Hòa cũng có cửa hàng bán tổ yến. Gọi là cửa hàng cho sang, chứ thực ra chỉ là một tiệm tạp hoá nhỏ, bán tổ yến thô và tổ yến đã qua sơ chế. Những chiếc hộp nhựa rẻ tiền chứa bên trong là những chiếc tổ yến có giá bạc triệu. Mỗi hộp khoảng 9 -10 tổ, cân nặng 100g, giá bán từ 3,5 đến trên 4 triệu đồng tùy loại. Chị bán hàng cho biết, giá tổ yến ở đây là rẻ lắm rồi đó, chứ ở trên Sài Gòn, người ta để trong bao bì đẹp, giá cao hơn rất nhiều. Khu nhà yến này hầu hết là của những người từ nơi khác đến, chỉ có 2 căn là của người địa phương, trong đó có căn nhà của người chị của chị. Chị nói, căn nhà gia đình người chị đang ở đã được cải tạo để nuôi chim yến, chi phí tốn khoảng 700 - 800 triệu đồng, còn những căn xây hoàn toàn mới, phải hơn 1 tỉ rưỡi đồng, bao gồm cả thiết bị bên trong như gỗ được lắp trên trần nhà cho chim yến làm tổ; thiết bị âm thanh để dẫn dụ chim vào ở; thiết bị tạo độ ẩm...

Huyện Cần Giờ (TP.HCM) có 77 căn nhà nuôi chim yến với 34.688,4m² xây dựng. Đã có 17 căn có sản phẩm thu hoạch và 60 căn mới xây dựng, gây nuôi chưa có sản phẩm. Sản lượng thu hoạch của 17 nhà nuôi chim yến qua các năm như sau: Năm 2008 là 60 kg, năm 2009 thu 250 kg, năm 2010 thu 400 kg. Gía thị trường khoảng 35 triệu đồng/kg yến thô. (UBND H.Cần Giờ)

Cần Giờ bắt đầu nuôi yến từ năm 2006, hiện tại số lượng nhà yến đã tăng nhanh hơn so với dự báo của các chuyên gia và chính quyền địa phương. Theo báo cáo mới đây của UBND H.Cần Giờ, số lượng nhà nuôi yến và diện tích ở huyện này là 77 căn/34.688,4m2. Vốn đầu tư 1 nhà yến rất lớn, bình quân 3 tỉ đồng/ khu đất nuôi (2 tỉ đồng/nhà nuôi yến + 1 tỉ đồng chi phí mua đất xung quanh để xây dựng công trình phụ), nên nhà đầu tư tại địa phương rất ít, chủ yếu là người từ nơi khác đến. Tại Cần Giờ chỉ có 8 nhà đầu tư là người trong huyện, 69 nhà đầu tư là người ngoài huyện. Viện Khoa học và Công nghệ Phương Nam tại TP.HCM cũng đã thành lập Trung tâm nghiên cứu phát triển yến sào, nằm trên địa bàn ấp Trần Hưng Đạo, xã Tam Thôn Hiệp. Trung tâm đã có những căn nhà yến thí điểm thành công tại khu vực này.
Đất lành chim đậu
Vài năm trở lại đây, Gò Công (Tiền Giang) là địa danh được nhắc đến nhiều nhất khi nói về nghề nuôi chim yến trong nhà. Hai khu vực tập trung nhiều căn nhà yến nhất là trung tâm Thị xã Gò Công và xã Long Bình - H.Gò Công Tây.

Ông Mười Thiết - người nuôi yến đầu tiên ở làng yến Long Bình. Ảnh: Lê Minh Hoàng

Xã Long Bình mà chủ yếu là ở ấp Khương Ninh hiện nay có hàng loạt nhà nuôi yến cao 3, 4 tầng. Không gian đặc quánh tiếng chim yến gọi đàn phát ra từ những chiếc loa mắc trên nóc những ngôi nhà yến. Chúng tôi đếm được 32 căn nhà yến ở Khương Ninh. Chủ đầu tư nhiều nhất và mới nhất là Công ty TNHH Dịch vụ và Xây dựng Việt Úc đến từ TP.HCM đang triển khai thi công đồng loạt 5 nhà với tổng diện tích sàn vài ngàn mét vuông, kinh phí lên đến trên 1 triệu USD.
Người đầu tiên nuôi yến ở Long Bình là ông Trần Văn Thiết, chủ thương hiệu “Yến sào thiên nhiên Mười Thiết”.
Cư dân cố cựu ở Long Bình nhớ rõ, vào cuối thập niên 60 của thế kỷ XX, Bình Luông Đông - nay là một phần của xã Long Bình chỉ có hai dãy phố chợ và chẳng có căn nhà lầu nào. Năm 1968, khi chính quyền cũ có chủ trương giải tỏa khu nghĩa địa để lập khu thị tứ mới, ông Lê Thành Để làm nghề thợ hồ kiêm bán vật liệu xây dựng (nên gọi là ông Ba thợ hồ) đã mua một miếng đất và xây dựng một khối nhà lầu 2 tầng gồm 3 căn liền vách kiểu nhà phố. Theo ông Năm Dành, con trai cả của ông Ba thợ hồ đồng thời cũng là chủ nhân của 2 ngôi nhà yến đã có thu hoạch cho biết, do nhà xây theo kiểu phố, gia đình chỉ sử dụng một căn bìa phía đông để ở và mua bán, hai căn kia đóng cửa bỏ trống nên chim yến vào ở và làm tổ lúc nào cũng không biết. Năm 1988, khối nhà lầu 3 căn đó được chia cho 3 người con, trong đó vợ chồng ông Mười Thiết nhận căn bìa phía tây.

"Nếu đầu tư thành công, một diện tích nhà yến trung bình 6m2 sẽ cho 1 kg tổ yến/năm, trị giá khoảng 30 triệu đồng. Tại Malaysia, một nhà yến 2 tầng (một trệt 2 lầu) tổng diện tích 262m2 có thể thu nhập 112 kg/năm (trị giá gần 4 tỉ đồng). Hiệu quả kinh tế của nuôi chim yến là thời gian thu hồi vốn nhanh (khoảng 3 - 5 năm), không mất tiền mua thức ăn vì chim tự kiếm ăn, chi phí nhân công điện nước ít..." - TS Lê Võ Định Tường, Viện Công nghệ Hóa học

Ông Mười Thiết kể rằng, khi gia đình ông dọn về đây ở, trong nhà đã có nhiều cặp yến vô ở rồi. “Lúc đó mấy đứa con tôi còn xua đuổi, thậm chí còn đập chết vài con nhưng không biết sao chúng vẫn cứ ở, ở chung với người luôn, không bỏ đi. Thấy vậy tôi cứ để cho chúng ở không đuổi nữa. Sau một thời gian tôi thấy chúng làm những cái tổ màu trắng đục. Năm 1989, tôi đang làm nghề kinh doanh gỗ xây dựng, thường đi lại và quen biết nhiều. Tôi đem chuyện nhà mình có chim yến vào ở và làm tổ kể cho một người bạn ở Khánh Hòa nghe, anh ấy nói chắc là yến sào quý lắm và bảo tôi về hái đem đi bán thử. Tôi làm theo nhưng do không biết cách thu hoạch và tổ yến cũng quá già nên khi tôi cạy các tổ bị vỡ vụn. Mang lên TP.HCM tìm chỗ bán, cân được đúng 240 gram với số tiền 600.000 đồng. Trở về, tôi dọn nhà ra ngoài ở để nhường nhà cho yến. Đàn yến cứ thế mà sinh sôi nẩy nở ngày càng nhiều. Năm 1996 tôi mở rộng phần diện tích nhà đang ở để đàn yến phát triển”.
Theo ông Mười Thiết, trên thị trường hiện nay mỗi kg yến sào có xuất xứ từ Long Bình ở dạng thô đã có giá từ 40 - 42 triệu đồng, loại đã qua tinh chế có giá từ 57 - 60 triệu đồng. Chúng tôi hỏi mỗi tháng thu hoạch được bao nhiêu kg? Ông cười: “Cái này không nói được nhưng vào cao điểm cứ 10 ngày thu hoạch 1 lần có thể được 6 - 7 kg. Bình thường có khi chỉ được 500 - 700g”. Những con số hấp dẫn này đã làm cho số lượng nhà nuôi yến trong nhà để lấy tổ ở Long Bình, chủ yếu là ở ấp Khương Ninh phát triển khá nhanh.

Tổ yến được bán ngay tại làng yến Tam Thôn Hiệp - Ảnh: Mai Vọng

Dù từ năm 2006 nhiều người nuôi yến ở đây đã bắt đầu thuê mướn chuyên gia về hướng dẫn và chuyển giao công nghệ, nhưng về cơ bản, nghề nuôi yến trong nhà ở đây vẫn mang tính tự phát. Điều khó lý giải nhất là nguyên nhân thành công trong nghề nuôi yến này khi có nhà thành công, yến đến ở và cho thu nhập cao nhưng có nhà đã xây xong và cho dẫn dụ suốt cả năm, thậm chí là 2 năm mà vẫn chưa có cặp chim nào vào làm tổ, có nơi chim đến đảo lượn nhưng không ở hoặc ở một thời gian ngắn rồi di chuyển đi nơi khác. Một ít nhà cũng có chim vào ở nhưng quá ít.
(sưu tầm)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét